Tin tức
- Chuyên mục: Tin tức
- Được đăng: Thứ tư, 28 Tháng 2 2018
- Lượt xem: 820
Tại các quốc gia nổi tiếng về du lịch, những chương trình biểu diễn tạo nên “thương hiệu văn hóa” góp phần thu hút hàng chục triệu khách mỗi năm.
Ngày nay, đến với một thành phố hay những vùng đất nổi tiếng, khách du lịch không đơn thuần chỉ dạo quanh những cảnh đẹp hay thưởng thức những món ăn phổ biến. Theo nhiếp ảnh gia – phóng viên Na Sơn, họ dành nhiều thời gian để trải nghiệm văn hóa địa phương với các hình thức khác nhau.
“Vòng quanh thế giới” bằng các chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo
Cirque du Soleil – “Gánh xiếc mặt trời” được Laliberté và người bạn hát rong của mình, Gilles Ste-Croix tạo ra năm 1984 ở Montreal, Québec (Canada), là một chương trình biểu diễn xiếc kiểu mới. Cirque du Soleil đến nay đã có hàng trăm triệu khán giả hâm mộ ở khắp 330 thành phố của gần 50 quốc gia. Doanh thu hàng năm của nó ước đạt gần một tỷ USD. Đây chính là show diễn “đắt giá” nhất hành tinh theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đến Paris, du khách đúng điệu kiểu gì cũng phải đến phố Pigalle, quận 9 để xem show ở quán Moulin Rouge. Địa điểm thu hút hơn 600.000 khách mỗi năm, nổi tiếng đến nỗi đã có 7 bộ phim làm về show diễn của các cô gái nóng bỏng ở đây.
Trung Quốc gây ấn tượng với du khách thế giới bằng 3 show diễn văn hoá nổi tiếng: “Ấn tượng Lệ Giang” ở Đại Lý, “Tống Thành Thiên Cổ Tình” ở Hàng Châu hay “Ấn tượng chị Ba Lưu” ở Quế Lâm. Các show diễn diễn ra đều đặn mỗi ngày, thu hút hàng chục triệu khách du lịch nội địa và quốc tế hàng năm. Trong đó, “Ấn tượng chị Ba Lưu” đã diễn ra liên tục trong suốt 14 năm kể từ xuất diễn đầu tiên năm 2004 đến nay.
Tại Hàn Quốc, du khách có thể thưởng thức vở nhạc kịch Miso show – chương trình hội tụ tất cả vẻ đẹp tinh tế nhất của xứ Hàn trong các điệu múa, bài hát truyền thống, tái hiện các truyện cổ và trò chơi dân gian kết hợp với âm nhạc.
Ngay Đông Nam Á, người Indonesia cũng có Devdan show ở Bali, địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của họ. Nổi tiếng hơn và luôn nằm trong danh sách những chương trình “must-see” (phải xem) của thế giới chính là Siam Niramit của Thái Lan. Chương trình biểu diễn hàng đêm tại nhà hát Ratchada (Bangkok) – với sức chứa 2.000 người. Đây là một trong những niềm tự hào của nền nghệ thuật tại quốc gia hấp dẫn du lịch nhất Đông Nam Á này. Vở diễn tái hiện những câu chuyện lịch sử trải dài 700 năm hình thành của vương quốc Xiêm La.
Có thể nói rằng, văn hoá chính là yếu tố đặc sắc nhất để thu hút khách du lịch đến với một quốc gia, hơn cả danh lam thắng cảnh và ẩm thực độc đáo. Không chỉ đóng góp phần quan trọng trong giá trị kinh tế, những sản phẩm của văn hoá còn chính là tâm hồn, sợi dây kết nối hiệu quả đất nước này với đất nước khác.
Việt Nam và hành trình xây dựng “thương hiệu du lịch” trong tương lai
Với bề dày lịch sử, Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc vào bậc nhất trên thế giới. Nước ta từng có một số show diễn gây tiếng vang khi “mang chuông đi đánh xứ người” như vở múa “Hạn hán và cơn mưa”- của biên đạo Thuỷ Ea Sola, vở xiếc “Làng Tôi”, được khán giả thế giới thích thú.
Thế nhưng, ở ngay trong nước, chúng ta chưa có nhiều show diễn hấp dẫn và quy mô lên tầm “thương hiệu văn hoá” tương tự các show nổi tiếng trên thế giới đã nêu trên.
Hiện tại mới chỉ có duy nhất một show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai, Hà Nội. Những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, TP HCM, Phú Quốc… thu hút lượng du khách quốc tế rất lớn nhưng vẫn thiếu vắng những sản phẩm văn hoá tương xứng.
Đặc biệt, Hội An mỗi năm thu hút hơn 3,2 triệu lượt khách du lịch nước ngoài. Nhiều người trong số họ đã trở lại Hội An lần thứ 2, nhất là khách phương Tây. Đây là một điều hiếm thấy ở các nơi khác tại Việt Nam. Vẻ đẹp cổ kính được bảo tồn bền vững cùng với sự thân thiện của người dân nơi đây luôn được du khách đánh giá cao.
Sắp tới, du khách đến Hội An sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một show diễn thực cảnh hoành tráng với tổng số diễn viên lên tới hơn 500 và hàng trăm người phục vụ cho show diễn.
Mang tên “Ký ức Hội An”, show diễn sẽ tái hiện không gian của cảng thị quốc tế Faifo nhộn nhịp từ 4 thế kỷ trước với những đặc trưng kiến trúc của người Nhật, người Hoa, người Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… Đó là khi các thương nhân từ khắp nơi trên thế giới dừng chân tại thương cảng này và xây dựng các thương điếm để thu mua sản vật. Từ câu chuyện tình của thương nhân quý tộc Nhật Bản Akari Sotaro với Công chúa Ngọc Hoa, đến những cảnh sinh hoạt thuở xa xưa của cảng thị cùng những điệu múa, âm nhạc trên nền âm thanh, ánh sáng hiện đại sẽ được diễn ra trên sân khấu rộng lớn trong khu Công viên chủ đề Ấn tượng Hội An, nằm giữa một cù lao trên dòng sông Thu Bồn.
Đạo diễn của “Ký ức Hội An” là một cái tên không xa lạ - Mai Soái Nguyên người đã cùng với đạo diễn Trương Nghệ Mưu sáng tạo và phát triển ngành biểu diễn thực cảnh. Ông cũng chính là người đã thực hiện 26 show thực cảnh nổi tiếng tại Trung Quốc và khắp thế giới. Để có thể xây dựng một chương trình nghệ thuật tôn vinh văn hóa Việt, của người Việt, khắc họa bản sắc Việt trên một thương cảng quốc tế đa văn hóa, những nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam như nhà sử học Dương Trung Quốc, hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ, nhà thơ – nhà báo Lê Cảnh Nhạc, đạo diễn Việt Thanh, nhạc sĩ Đức Trịnh, biên đạo múa Thanh Hằng… đã được mời tham gia cố vấn ngay từ khi phôi thai ý tưởng kịch bản.
Hiện nay, show diễn được các diễn viên ngày đêm luyện tập, trau chuốt và sắp sửa ra mắt khán giả trong nước và du khách đến Hội An. Hy vọng, “Ký ức Hội An” sẽ trở thành một show “must-see” và là một điểm nhấn cho thương hiệu văn hoá Việt Nam trong thời gian tới
--Nguồn: vnexpress.net--