Tin tức
- Chuyên mục: Tin tức
- Được đăng: Thứ tư, 28 Tháng 3 2018
- Lượt xem: 733
Cầu Ông Cọp không chỉ thu hút du khách đến tham quan chụp hình, cầu còn là lối đi tắt tới nhiều điểm đến nổi tiếng khác của Phú Yên.
Việt Nam có rất nhiều cây cầu gỗ bắc qua sông do người dân tự làm, nối liền thôn xã hoặc giữa các ốc đảo nhỏ với nhau. Một trong những cây cầu gỗ nổi tiếng nhất là cầu gỗ Miếu Ông Cọp, thuộc xứ "hoa vàng trên cỏ xanh" Phú Yên.
Nằm cách Quốc lộ 1 chưa đến trăm mét - đoạn gần dốc Vườn Xoài - cầu gỗ Miếu Ông Cọp (hay tên khác là cầu Ông Cọp, Bình Thạnh, Tuy An) bắc qua sông Bình Bá (có bản đồ ghi là sông Phú Ngân). Cầu nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.
Cầu được xây dựng từ năm 1998 với tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng, có chiều dài hơn 700 m và rộng 1,5 m (nơi rộng nhất 1,8 m). Vật liệu chính của cầu là những tấm ván gỗ làm từ thân cây phi lao. Thành cầu làm bằng những thân tre già.
Đầu cầu phía phường Xuân Đài là một nhà gỗ sơ sài và cũng là nơi thu tiền của các phương tiện qua lại. Mỗi lượt, người đi bộ trả 1.000 đồng, người đi xe hai bánh trả 3.000 đồng, chở thêm hàng hóa là 5.000 đồng. Dưới chân cầu là những đống gỗ phi lao chất sẵn, khi có tấm ván nào hư là được sửa ngay. Có năm mưa lũ tới cuốn trôi cả cây cầu, phải mất hàng tháng trời xây lại. Trong khoảng thời gian đó, người dân phải đi vòng rất xa.
Tương truyền thời xa xưa, khi con người và vật có thể nghe hiểu tiếng của nhau, trên núi Mỹ Dựa thường xuất hiện một đàn cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Khi Bà Cọp trở dạ khó sinh, ông Cọp đã lao xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Đò, xé toạc vách nứa ngôi nhà nhỏ, vồ lấy bà mụ thường đỡ đẻ cho sản phụ trong làng.
Nghe động, nhiều người dân chạy tới nhìn thấy Ông Cọp nhưng không dám ngăn cản, mà chỉ biết quỳ lạy, thắp hương van vái xin buông tha người phụ nữ nọ. Nhưng Ông Cọp lặng lẽ đưa bà mụ lên núi. Sau khi giúp Bà Cọp sinh con, Ông Cọp đưa bà đỡ xuống núi an toàn.
Ba đêm sau, ông Cọp Bạch mang xuống sân nhà bà mụ một con lợn rừng để tạ ơn. Một thời gian sau bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh nằm dưới chân núi Hòn Bù, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An để lập nghiệp. Nơi ấy bây giờ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn di tích danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa.
Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm, người dân xóm Đồng Đò nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự vượt qua sông Bình Bá hướng ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ.
Cũng từ đó, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ trầm buồn, ít lâu sau thì chết. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân cứu giúp vợ sinh con, người dân xóm Đồng Đò thời xưa rủ nhau lên núi đào đá, xếp thành miếu ông cọp để tôn thờ. Cây cầu gắn liền với miếu Ông Cọp nên tên cầu Ông Cọp cũng từ đó mà ra.
Không chỉ là con đường cho dân cư địa phương đi lại, cầu Ông Cọp còn là điểm đến thú vị cho các bạn trẻ và dân đi bụi, các tay săn ảnh. Chưa kể đây còn là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng, đập Tam Giang…
--Nguồn: vnexpress.net--